Vai trò & lợi ích của Trung tâm Giám sát An ninh mạng SOC

Những năm gần đây khi tần suất các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam gia tăng ngày càng nhiều, mức độ nghiêm trọng và tinh vi ngày càng cao, các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin cũng được các tổ chức, đơn vị chú ý và đầu tư bài bản hơn trước. Thay vì các giải pháp độc lập, chuyên biệt chỉ xử lý được một khía cạnh của cuộc tấn công, người dùng bị thuyết phục bởi các giải pháp tổng thể, đa tầng, nhiều lớp, nhằm phát hiện và giải quyết triệt để các mối nguy hại chưa từng có tiền lệ. SOC chính là một giải pháp như thế!

  1. Hệ thống SOC (Security Operations Center) là gì?

Trung tâm Điều hành an ninh mạng (Security Operations Center, viết tắt: SOC) là một đơn vị gồm các chuyên gia bảo mật giàu kinh nghiệm, sử dụng hàng loạt quy trình đánh giá, cảnh báo trên một hệ thống giám sát tập trung nhằm xử lý toàn bộ các vấn đề an ninh. Hệ thống này liên tục rà soát, phân tích, báo cáo và ngăn chặn các mối đe dọa an ninh mạng, đồng thời ứng phó với bất kỳ sự cố nào xảy ra với máy tính, máy chủ và trên mạng mà nó giám sát.

  1. Tại sao các tổ chức doanh nghiệp cần thiết lập hệ thống SOC?

Theo thống kê, trong nửa đầu năm 2020, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, cơ quan này đã ghi nhận 2.017 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam dẫn đến sự cố trong 6 tháng đầu năm nay. Trong đó, có 805 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing), 788 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface) và 296 cuộc tấn công cài mã độc (Malware). 9 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đứng thứ 11 trong danh sách các quốc gia bị hack nhiều nhất thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Singapore) với tổng số website bị xâm phạm là 8,406. Dù là hình thức tấn công trực tuyến hay ngoại tuyến thì các cá nhân, tổ chức đều phải chịu thiệt hại nặng nề cả về tài chính lẫn uy tín doanh nghiệp và mất rất nhiều thời gian để khắc phục hậu quả sau mỗi cuộc tấn công.

Là sự kết hợp nhuần nhuyễn từ 3 yếu tố cốt lõi trong ngành Công nghệ thông tin nói chung và An toàn thông tin nói riêng gồm: Con người – Công nghệ – Quy trình, SOC chính là rào chắn vững chắc, giải quyết những thiếu sót còn lại của các thiết bị an ninh mạng sau khi chúng bị vượt qua dễ dàng bởi bọn tội phạm mạng chuyên nghiệp.

 

SOC kết nối Con người – Công nghệ – Quy trình. Nguồn: CyRadar

  • Con người: Là những chuyên gia trong Trung tâm điều hành an ninh, được phân công nhiệm vụ rõ ràng để phối hợp vận hành hệ thống.
  • Công nghệ: Là các giải pháp giám sát, phân tích, phát hiện sự cố, điều tra truy vết sự cố.
  • Quy trình: Là các quy định, quy trình, chính sách an ninh thông tin được triển khai trên hệ thống.

Thiết lập một trung tâm điều hành an ninh mạng chính là cải thiện khả năng phát hiện sự cố bảo mật thông qua giám sát và phân tích liên tục hoạt động dữ liệu. Hệ thống SOC sẽ phân tích các hoạt động này trên toàn tổ chức, các mạng, điểm cuối, máy chủ và cơ sở dữ liệu để đảm bảo phát hiện và ứng phó kịp thời các sự cố bảo mật. Nhờ vòng tròn khép kín và sự hỗ trợ lẫn nhau của 3 yếu tố kể trên, SOC có thể rà soát và phản ứng với các mối nguy hại tiềm ẩn 27/4, điều này giúp thu hẹp khoảng cách giữa thời gian xâm nhập và thời gian phát hiện đồng thời giúp các tổ chức chủ động hơn trong việc đối phó với các mối đe dọa.

  1. Chức năng, nhiệm vụ chính của SOC là gì?

Để đóng góp vào sự an toàn chung của tất cả các thiết bị, dữ liệu trong tổ chức các chuyên gia SOC phải đảm bảo được những đầu việc sau:

  • Chủ động giám sát trạng thái an ninh của toàn bộ hệ thống theo thời gian thực trên một giao diện quản lí tập trung duy nhất.
  • Định kì rà quét, tự động kiểm tra an ninh toàn bộ hệ thống.
  • Quản lý nhật ký và phản hồi (cung cấp cho các cơ quan chức năng thông tin chính xác trong trường hợp cần đến điều tra).
  • Phát hiện các lỗ hổng, các điểm yếu trong hệ thống mạng và đề xuất các biện pháp xử lí.
  • Xếp hạng cảnh báo bất thường tại từng nút mạng hoặc trên từng thiết bị, mức độ nghiêm trọng tỉ lệ thuận với mức độ khẩn trương loại bỏ mối đe dọa.
  • Cảnh báo sớm các điểm yếu, nguy cơ an ninh có thể xảy ra và điều chỉnh phòng thủ.
  • Hỗ trợ ứng cứu và xử lí các sự cố an ninh mạng.
  • Quản lí, điều khiển và ra lệnh từ xa.
  • Tự động tối đa các qui trình nghiệp vụ, tối ưu nhân lực vận hành hệ thống.
  • Gửi báo cáo định kỳ (theo ngày, tuần, tháng, quí, năm) hoặc theo thời gian thực.

Mỗi nhiệm vụ này là một chức năng quan trọng của SOC nhằm giữ cho toàn bộ tổ chức được bảo vệ tốt. Bằng cách kết hợp tất cả các nội dung trên, SOC duy trì sự ổn định của hệ thống và đưa ra hành động phù hợp, khôn ngoan ngay lập tức khi có xâm nhập xảy đến.

  1. Xây dựng và điều hành SOC

Xây dựng Trung tâm điều hành an ninh mạng là một quá trình phức tạp nhưng để đảm bảo SOC vận hành trơn tru, hiệu quả lại là một bài toán nan giải hơn nữa.

Bước đầu tiên và cũng là quan trọng nhất mỗi doanh nghiệp cần thực hiện trước khi thiết lập một SOC hoàn chỉnh là xác định chiến lược rõ ràng, đặt ra mục tiêu cụ thể cho tổ chức và tính toán các sự hỗ trợ cần thiết từ nội bộ doanh nghiệp. Sau đó, phải rà soát đánh giá hệ thống công nghệ thông tin hiện tại, xây dựng, bổ sung hệ thống bảo vệ cân thiết như: Firewall, Intrusion Detection System (IDS), Antivirus (AV), Distributed denial-of-service (DDoS)…

Tiếp đến là cải thiện các hệ thống theo dõi – giám sát, truy vết, hệ thống phân tích xử lý và phản ứng với các sự cố. Cuối cùng là đào tạo nhân sự và xây dựng quy trình phản ứng phù hợp để có thể liên kết tất cả các thành phần trên với nhau tạo ra một mô hình tổng thể đảm bảo an ninh – an toàn cho hệ thống.

Mẫu cấu trúc chức năng và thành phần SOC

Việc vận hành SOC được thực hiện bởi một đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, chia làm nhiều lớp theo chức năng, nhiệm vụ và mức độ nghiêm trọng của sự cố:

  • Level 1: Alert Analyst là chuyên viên có nhiệm vụ theo dõi, giám sát và cảnh báo từ hệ thống 24/7. Khi nhận được cảnh báo, họ sẽ phân tích, đánh giá và chuyển tới Incident Responder hoặc SME/Hunter.
  • Level 2: Incident Responder là những chuyên viên có nhiệm vụ tiếp nhận cảnh báo từ Alert Analyst. Sau khi xác định và phân tích các sự kiện bảo mật, các chuyên gia này phân loại, xếp hạng và đánh giá leo thang đặc quyền để cảnh báo các mối đe dọa tiềm ẩn.
  • Level 3: SME/Hunter là những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực an toàn thông tin, chuyên môn cao. Những người này trực tiếp xử lý các sự cố an ninh, điều tra và đưa ra các điều lệnh ngăn chặn các sự cố.
  • Level 4: Cuối cùng là SOC Manager – người toàn quyền quản lý toàn hệ thống SOC bao gồm nhân sự, ngân sách, nội dung quy trình. SOC Manager tiếp nhận các thông tin báo cáo, phân tích và kết quả khắc phục sự cố từ các SME/Hunter. SOC cũng sẽ là người phát ngôn khi có sự cố xảy ra với hệ thống.

Từ những dữ kiện trên về SOC, mỗi doanh nghiệp, tổ chức hẳn đã có cái nhìn sâu hơn về vai trò và lợi ích một Trung tâm điều hành an ninh mạng, nhưng với những đơn vị thiếu sót kiến thức bảo mật, thiếu hụt nhân sự có kinh nghiệm, hệ thống công nghệ thông tin sơ sài và chưa có quy trình xử lý, ứng phó sự cố hiệu quả thì việc tự xây dựng và vân hành SOC vẫn còn là ước mơ khá xa vời. Đó là lý do vì sao dịch vụ Trung tâm điều hành an ninh mạng trên nền tảng đám mây SOC-as-a-service ra đời.

Phần II: SOC – as – a – service, trung tâm điều hành an ninh mạng trên nền tảng điện toán đám mây (to be continued)